Bạn đang băn khoăn không biết Tết này sẽ nấu món gì để chiêu đãi gia đình và bạn bè? Bạn đã biết cách nấu những món ăn ngày Tết truyền thống chưa? Nếu chưa, hôm nay hãy theo chân Nguyên Khôi học cách nấu món ăn ngày Tết 3 miền tại đây. Đảm bảo thơm ngon, hấp dẫn, khách sẽ cực mê!
Hướng dẫn cách nấu các món ngon ngày Tết miền Bắc
Bánh chưng, thịt đông, giò lụa, xôi gấc, dưa hành, … được xem là các món ăn ngày Tết truyền thống của người miền Bắc, không có những món này thì không thấy Tết.
Bánh chưng
Là món ăn đặc trưng ngày Tết của miền Bắc, bánh chưng được sự kết hợp hài hòa giữa đậu xanh thơm bùi và thịt mỡ béo ngậy, cùng gạo nếp dẻo mềm với chút tiêu cay nhẹ.
Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng ngày Tết
- 4kg gạo nếp loại ngon.
- 1kg thịt ba chỉ.
- 1kg đậu xanh bỏ vỏ.
- Muối và hạt tiêu.
- 40 – 50 lá dong và 2 bó dây lạt để buộc cố định.
Bên cạnh đó còn có thêm dụng cụ khuôn gói bánh chưng.
Cách nấu món ngon ngày Tết miền Bắc – bánh chưng
Đầu tiên, sơ chế nguyên liệu đã chuẩn bị như trên:
- Ngâm gạo nếp khoảng 2 tiếng, vo sạch, vớt ra để ráo nước và trộn cùng chút muối. Nếu muốn màu bánh xanh hơn, giã nhỏ lá riềng vắt lấy nước trộn đều với nếp.
- Đậu xanh ngâm nở, rửa sạch và hấp chín thì nghiền nhỏ ra.
- Còn thịt ba chỉ cắt miếng vừa ăn, ướp gia vị cho thấm đều.
- Lá dong rửa sạch, phơi tại chỗ thoáng gió hoặc dùng khăn sạch lau khô.
Hướng dẫn gói bánh chưng chuẩn theo truyền thống:
- Đặt mặt phải của lá dong vào khuôn gói bánh. Tiếp đến, cho nguyên liệu vào theo thứ tự sau và trải đều: gạo, đậu xanh, thịt heo, đậu xanh, gạo. Phải làm sao lớp gạo bên ngoài phủ kín, đều nhân bên trong. Gói lá sao cho thật chặt, gỡ khuôn ra khỏi bánh và buộc chặt với dây lạt.
- Luộc bánh chưng: Xếp bánh đã gói vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh và nấu trong 10 – 12 tiếng. Lưu ý, giữ cho nước luôn đầy đủ, cạn lại thêm vào. Bên cạnh đó, cũng giữ lửa cháy đều liên tục, để bánh chín đều, không bị sượng. Bánh chín, vớt ra để vào thau nước lạnh rồi lấy khăn lau khô lại, đặt nơi thoáng mát.
Xôi gấc
Với màu đỏ tượng trưng cho một năm mới may mắn, phát tài, hạnh phúc, xôi gấc cũng là món ngon ngày Tết dễ làm được ưa chuộng trong mâm cỗ ngày Tết tại miền Bắc.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 4 bát nhỏ gạo nếp loại ngon.
- 1 quả gấc vừa, chín đỏ.
- 200ml nước cốt dừa (có thể tăng giảm lượng tùy theo sở thích, hoặc thay bằng nước lọc).
- 2 thìa rượu trắng, muối, đường.
Cách nấu xôi gấc ăn ngày Tết ngon
- Cắt đôi quả gấc, chỉ gỡ lấy phần thịt. Trộn 2 thìa rượu trắng vào phần thịt gấc được lấy ra, bóp đều để dễ dàng lấy hạt đen.
- Nếp vo sạch, ngâm với nước lạnh qua đêm (hoặc 4 tiếng với nước ấm) rồi vớt ra, để ráo nước.
- Trộn đều nếp với phần thịt gấc đã lấy hạt cùng 1 thìa muối đến khi tất cả nhuốm màu đỏ của gấc.
- Tiếp đến, cho nước cốt dừa vào trộn đều lần nữa rồi cho vào chõ/xửng hấp cách thủy từ 40 – 60 phút. Bạn cũng có thể nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện gia đình cũng được. Nhưng lưu ý: Khi hấp, nếu thấy xôi quá khô có thể vẩy thêm một ít nước hoặc dùng khăn sạch thấm nước và để lên trên bề mặt xôi.
Dưa hành muối chua – món ăn giảm ngấy trong mâm cỗ ngày Tết
Cùng với bánh chưng, dưa hành cũng là món không thể thiếu trong danh sách món ăn ngày Tết của người miền Bắc. Còn gì tuyệt hơn khi trong tiết trời lành lạnh, mọi người cùng ngồi bên nhau nhấm nháp vị chua chua, cay cay nhẹ nhẹ của dưa hành muối chua cùng với vị béo ngậy, dẻo mềm của bánh chưng.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg củ hành già
- 200g muối, đường
- 1 củ gừng
Cách làm món ăn ngày Tết miền Bắc – Dưa hành
- Củ hành mua về ngâm trong nước vo gạo 5 tiếng để làm sạch đất và dễ lột vỏ.
- Sau khi ngâm xong, đổ củ hành ra rổ cho ráo nước, lột bỏ vỏ và cắt sạch rễ. Nhưng không được cắt rễ quá sát củ hành nếu muốn để lâu. Bởi như vậy sẽ dễ biến hành bị hư.
- Trộn đều củ hành đã làm sạch với 200gr muối và cho vào hũ để 2 ngày cho hành ra hết nước đen.
- Sau 2 ngày, đổ củ hành ra chậu nước lạnh sả cho bớt mặn và sạch nước đen rồi để ráo nước và cho tiếp vào hũ.
- Cho chút muối, đường và gừng đã gọt vỏ, đập dập khuấy đều, bắc lên bếp nấu sôi, để nguội rồi đổ ngập hũ hành. Đậy kín, sau 10 ngày là có thể ăn được.
Giò lụa
Với ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà” nên các món ăn ngày Tết cũng không thể thiếu món giò lụa. Đây cũng là một trong những thực đơn dinh dưỡng của người miền Bắc.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg thịt heo (Tốt nhất là nên chọn nạc mông)
- 40ml nước mắm
- 5g bột nở, 30g bột năng
- Một ít muối, đường cát
- 50ml nước sôi để nguội
- Lá chuối và dây lạt buộc giò
Cách làm giò lụa ăn ngày Tết
- Thịt nạc mông rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ và ướp chung với đường, muối, nước mắm, bột nở, bột năng cho thấm. Tiếp theo cho vào hộp đậy kín và để ngăn đông chừng 2 tiếng.
- Lấy thịt ra khỏi ngăn đông và cho vào máy xay xay nhuyễn rồi lại cho vào hộp đậy kín để ngăn đông thêm 2 tiếng nữa. Trong thời gian này lấy lá chuối ra rửa sạch, phơi nắng cho lá héo chút để dễ gói. Hoặc có thể chần qua nước sôi, xong đem phơi cho ráo nước.
- Sau 2 tiếng, lấy thịt ra cho vào cối xay xay, nếu khó xay có thể cho thêm 1 chút nước.
- Xếp chồng 4, 5 lớp lá chuối lên nhau, dùng muôi múc giò sống lên trên mặt lá, dàn đều và cuộn giò tròn theo hình ống. Cứ như vậy gấp lần lượt từng đầu ống và dùng dây lạt buộc lại. Lưu ý, không nên buộc giò quá chặt.
- Cho giò đã gói lá chuối và nồi luộc từ 40 – 50 phút, vớt ra để ráo nước là đã có thể dùng.
Thịt nấu đông
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món thịt đông trong mâm cỗ ngày Tết. Thậm chí, chúng còn được xem là một trong những món ăn “linh hồn”, độc đáo và tinh túy của đất Bắc.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 0,5kg thịt chân giò đã lọc xương, làm sạch lông
- 250gr tai heo đã sơ chế sạch
- 50gr nấm hương, 50gr mộc nhĩ
- 1 củ hành, 1/2 củ gừng, 1/2 củ cà rốt
- Hạt tiêu rang khô, đập dập
- Gia vị nấu bếp chuyên dụng
Cách làm thịt nấu đông ăn ngày Tết
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở trong nước ấm, rửa sạch và cắt nhỏ.
- Gọt vỏ củ hành và gừng, đập dập, thả vào nồi nước bắc lên bếp nấu sôi.
- Rửa sạch tai heo và chân giò, chầnqua nước sôi, vớt ra để ráo. Cắt tai heo thành sợi mỏng, chân giò cắt miếng dày khoảng 1cm.
- Bắc chảo lên bếp, đun sôi 1 thìa dầu ăn rồi cho nấm hương, mộc nhĩ vào xào cùng 1 thìa hạt nêm.
- Trút phần nấm vừa xào ra bát, tiếp tục cho chân giò, tai heo cùng 1 thìa hạt nêm vào xào cho thịt săn lại.
- Cho chân giò, tai heo vừa xào vào nồi đổ ngập nước rồi bắc lên bếp. Khi nước sôi, vớt bọt và nấu thêm 20 phút với lửa nhỏ. Tiếp đó, cho mộc nhĩ, nấm hương và tiêu đập dập vào nấu thêm 10 phút nữa, tắt bếp.
- Đổ thịt ra bát lớn để nguội rồi cho vào tủ lạnh để thịt đông lại.
Cách nấu món ăn ngày Tết miền Trung
Nếu đặc trưng của tết Bắc là chiếc bánh chưng vuông vức, thì đặc trưng tết miền Trung chính là bánh tét tròn dài. Ngoài ra, hương vị truyền thống trong thực đơn món ngon ngày Tết của người miền Trung còn là nem chua, tôm chua, thịt ngâm mắm, …
Bánh tét
Bánh chưng của miền Bắc gói bằng lá dong còn bánh tét của miền Trung được gói bằng lá chuối. Với người Trung Bộ bánh tét có ý nghĩa là “sự hội tụ của đất và trời” mà người ăn có thể cảm nhận rõ qua nguyên liệu tạo nên.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg nếp dẻo
- 500g đậu xanh không vỏ
- 300g thịt ba chỉ (chọn loại có cả mỡ và nạc đều nhau)
- Củ hành tím và các loại gia vị
- Lá chuối và lạt để buộc bánh
Cách làm bánh tét ăn Tết truyền thống
Sơ chế nguyên liệu đã chuẩn bị làm bánh tét
- Đậu xanh rửa sạch, ngâm trong nước ấm khoảng 4 tiếng để đậu nở.
- Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng vừa miệng và ướp gia vị cho thấm sau đó bọc lại cho vào ngăn mát tủ lạnh để 45 phút cho thịt ngấm đều gia vị, thơm ngon hơn.
- Nếp vo sạch, ngâm nước lạnh 2 tiếng, vớt ra để ráo nước. Nếu muốn bánh lên màu đẹp thì xay nhuyễn lá dứa vắt lấy nước cốt và cho vào gạo ngâm thêm 2 tiếng nữa, vớt ra, để ráo nước.
Gói bánh tét
- Xếp chồng 3, 4 lớp lá chuối đã rửa sạch lên nhau trải lần lượt và san đều nếp trên lá. Sau đó cho đậu xanh, thịt vào chính giữa, rồi lại rải đậu xanh kín thịt. Gấp 2 lá chuối lại với nhau, cuộn tròn và dùng dây lạt buộc ở giữa trước để cố định đòn bánh. Tiếp đến, gấp 2 đầu cây bánh lại và dùng dây lạt buộc chặt, dùng dây lạt buộc thêm 6 hoặc 8 vòng ngang trên thân bánh.
- Luộc bánh: Xếp bánh tét vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh và đun sôi. Đun liên tục trong 8 – 10 tiếng đồng hồ là bánh chín. Vớt bánh ra khỏi nồi thả vào chậu nước lạnh để ráo nước là có thể dùng được ngay.
Nem chua
Do dễ ăn, hương vị lạ miệng nên nem chua miền Trung khá phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết lẫn ngày thường. Nem có vị chua chua, ăn cùng bánh tét dẻo dẻo, béo ngậy rất khó quên. Là một trong những món ăn đặc trưng ngày Tết, cách làm nem chua vô cùng công phu. Tuy nhiên khá đơn giản nên ai cũng có thể làm để thưởng thức.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg thịt heo (ưu tiên chọn loại nạc mông)
- 150g da heo
- 150g thính gạo
- 1 rổ lá ổi (Hoặc lá đinh lăng), lá chuối tươi rửa sạch, để ráo nước
- Giấy nilon, dây thun
- Gia vị
Cách làm nem chua ăn kèm ngày Tết
- Sơ chế nguyên liệu: Thịt heo rửa sạch, để ráo nước, cắt miếng nhỏ xay nhuyễn. Da heo cạo lông, rửa sạch, chần qua nước sôi, thái sợi nhỏ. Còn tỏi, ớt rửa sạch, để ráo, cắt mỏng.
- Chế biến nguyên liệu: Cho thịt heo đã xay nhuyễn, da heo cắt sợi vào chậu cùng 2 thìa thính gạo trộn đều. Tiếp đến, cho muối, đường, nước mắm, hạt tiêu, tỏi, ớt vào và trộn đều các nguyên liệu.
- Gói nem: Dùng thìa múc nem cho vào giấy nilon gói lại thành miếng vuông khoảng 3cm. Dùng lá ổi bọc bên ngoài rồi tiếp tục dùng lá chuối gói kín miếng nem lại. Cố định chặt từng miếng nem bằng dây thun.
- Ủ nem: Sau khi đã hoàn tất công đoạn gói, đem nem ủ ở nơi khô ráo và thoáng mát. Sau từ 3 – 5 ngày, nem lúc này đã có độ chua nhất định, có thể ăn trực tiếp mà không cần phải chế biến lại.
Chả bò
Đã nhắc đến nem chua chắc chắn không thể không nhắc đến chả bò. Cả 2 cùng tạo nên hương vị rất riêng, ngon miễn chê. Vì vậy, bạn cũng có thể học thêm cách làm món chả bò đặc trưng như hướng dẫn dưới đây.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 500gr thịt bò nạc
- 1 muỗng cà phê bột nổi
- 2 muỗng cà phê bột năng
- 2 muỗng cà phê tiêu xay
- 4 tép tỏi và các gia vị khác
Cách làm món chả bò chiêu đãi khách ngày Tết
Sơ chế nguyên liệu
- Thịt bò rửa sạch, lóc bỏ gân, để ráo nước, cắt nhỏ trộn đều với nước mắm, tiêu, đường, tỏi cùng một ít bột ngọt hoặc bột nêm. Sau đó cho vào cối xay nhuyễn, lấy thịt ra khỏi cối, để vào túi nilon sạch buộc chặt miệng, cho vào ngăn đông tủ lạnh từ 1 – 2 giờ. Thời gian để lâu hơn thì chả sẽ dẻo và dai hơn.
- Sau 2 tiếng, lấy thịt ra, bỏ túi nilon và cho vào máy xay xay lại lần nữa rồi tiếp tục cho vào túi nilon buộc chặt và để trong tủ lạnh 1 tiếng nữa. Lấy thịt ra và cho vào máy xay thêm. Lần này, hãy cho thêm bột nổi và bột năng vào cùng. Xay xong, cho thịt vào cối quết đến khi cảm thấy thịt dính chặt vào cối thì dừng lại.
Gói và hấp chả bò
Dùng muỗng múc thịt đã quết nhuyễn trong cối ra và cho vào túi nilon buộc chặt. Gói lá chuối bên ngoài và dùng lạt buộc cố định chúng. Bắc nước lên, đun sôi và cho chả bò vào hấp 30 – 40 phút, vớt ra để nguội tự nhiên và có thể dùng sau đó.
Thịt ngâm mắm – món ăn ngày Tết miền Trung không thể thiếu
Đây là một trong những món ăn ngày Tết đặc sắc của người miền Trung. Cách làm món ăn này cũng rất đơn giản, cụ thể như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg thịt ba rọi đã được lọc bỏ xương
- 3 bát đường cát trắng, 3 bát nước mắm ngon
- 1 thìa giấm, gia vị nêm nếm
Cách làm thịt ngâm mắm thơm ngon, đậm đà
- Rửa sạch thịt, luộc với nước muối và hành củ. Thịt chín thì vớt ra thả vào thau nước lạnh ngay.
- Cho nước mắm, đường, tiêu, tỏi, ớt nguyên trái vào nấu sôi lên. Khi mắm sôi, để lửa nhỏ cho khỏi trào ra bếp 3 – 5 phút.
- Để thịt thật nguội, mắm thật nguội mới xếp thịt vào hũ và chế nước mắm vào.
- Sau 3 ngày là bạn có thể ăn được, mang ra đãi khách được rồi. Thịt ngâm mắm sẽ ăn ngon hơn khi cuốn chung bánh tráng, rau sống và dưa món hay củ kiệu chấm nước mắm pha.
Tôm chua
Tôm chua là một trong những món ăn lạ miệng bên cạnh những món nhiều giàu mỡ và tinh bột.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 500g tôm đất tươi (Loại bằng ngón tay)
- 600ml rượu trắng
- 1 chén bột nếp, 2 thìa đường, 2 thìa muối
- 1 trái ớt chuông, 20 quả ớt chỉ thiên, 2 củ riềng, 2 củ tỏi
- 1 hũ thủy tinh có nắp đậy đã rửa sạch, khô
Cách nấu món ăn ngày Tết – Tôm chua xứ Huế
- Tôm rửa sạch, để nguyên con không lột vỏ, ngâm với rượu trắng 30 phút. Sau đó, vớt tôm ra cắt râu rồi cho vào 300ml rượu, ngâm tiếp 30 phút, lúc này tôm sẽ chuyển sang màu đỏ.
- Cho 3 bát nước lạnh và 1 bát bột nếp vào nồi cùng chút muối khuấy đều và bắc lên bếp nấu tới khi bột chuyển màu trong thì tắt bếp, để nguội.
- Cho củ riềng, củ tỏi bóc vỏ, ớt chuông cắt nhỏ, ớt chỉ thiên vào máy xay nhuyễn, chia làm 2 nửa.
- Khi bột nếp đã nguội, cho một nửa hỗn hợp vừa xay vào trộn đều.
- Tôm vớt ra xếp vào hũ thủy tinh, xen kẽ với hỗn hợp riềng, ớt, tỏi (cứ 1 lớp tôm, 1 lớp riềng ớt tỏi) cho đến hết. Cuối cùng, đổ phần hỗn hợp bột nếp lên trên cùng, đậy nắp lại.
- Mang hũ tôm ra phơi trời nắng, sau 1 tuần là có thể ăn được. Nếu trời lạnh, thì phải phơi từ 10 – 12 ngày.
Cách nấu món ăn ngày Tết miền Nam đơn giản
Ba miền Bắc – Trung – Nam với đặc điểm địa hình, khí hậu và văn hóa có chút khác nhau. Do vậy, ẩm thực cũng khác nhau với những hương vị, món ăn đặc trưng. Tham khảo ngay cách nấu món ăn ngày Tết miền Nam tại đây!
Thịt kho tàu (thịt kho hột vịt với nước dừa)
Ngày Tết, đến bất cứ nhà nào tại miền Nam, bạn cũng sẽ thấy món này trên mâm cơm ngày tết. Có người còn ví von nếu ngày Tết của người miền Nam không có thịt kho tàu thì không phải là ngày Tết. Nếu chưa biết cách làm thì hãy xem công thức nấu sau.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg thịt ba chỉ
- 10 trứng vịt
- 2 trái dừa tươi nhiều nước
- Nước màu dừa
- Gia vị chế biến, nấu nướng
Cách nấu thịt kho tàu đặc trưng Tết miền Nam
- Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với tiêu, hạt nêm, dầu ăn, nước mắm, muối, nước màu dừa và trộn đều. Để thịt ngấm gia vị trong vòng tối thiểu 30 phút.
- Trứng vịt luộc chín và bóc bỏ lớp vỏ.
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào phi hành và cho thịt vào đảo đều đến khi săn lại.
- Cho nước dừa tươi vào nấu sôi và vặn lửa liu riu 30 phút, sau đó cho trứng đã bóc vỏ vào nấu thêm 2 tiếng nữa đến khi thịt mềm rục, màu nước đậm đà là được.
- Chú ý, trong khi nấu không nên đậy nắp và khuấy nhiều vì dễ làm nước đục, màu không đẹp.
Bánh tét
Bánh tét của người miền Nam ngoài nhân mặn truyền thống còn có nhân trứng muối hay bánh nhân ngọt gồm nhân chuối, nhân đậu đỏ… Tết này, bạn hãy thử gói bánh tét nhân trứng muối để đãi khách xem sao nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg gạo nếp ngon
- 250g thịt ba chỉ
- 20 trứng vịt muối
- 250g đậu xanh cà vỏ
- 2 chén nước cốt dừa và gia vị
- Lá chuối, dây lạt buộc
Cách gói bánh tét ngày Tết độc đáo
Sơ chế nguyên liệu: Gạo nếp vo sạch, ngâm với nước 2 tiếng. Đậu xanh rửa sạch, ngâm với nước ấm chừng 4 tiếng rồi vớt để riêng cho ráo nước. Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, ướp hạt tiêu, đường, hạt nêm, hành củ, nước mắm cho thấm đều. Còn trứng vịt muối tách lấy lòng đỏ, bỏ lòng trắng. Lá chuối rửa sạch, để ráo nước rồi mới gói.
Gói bánh: Xếp chồng 3, 4 lớp lá chuối lên nhau rồi cho gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, trứng muối lên trên. Sau đó, rải tiếp 1 lớp đậu xanh, nếp phủ đều nhân. Cuộn bánh cho tròn và thật chặt rồi dùng dây lạt buộc cố định, hãy cố gắng để “lạt mềm buộc chặt”.
Luộc bánh: Nhóm lửa, cho bánh vào nồi cho nước xâm xấp mặt bánh và nấu sôi. Chú ý, trong quá trình nấu cần canh châm nước và lửa để bánh chín đều. Sau 10 tiếng là bánh chín, vớt ra thả vào chậu nước lạnh, sau đó, treo lên cho ráo và có thể dùng.
Khổ qua nhồi thịt – món ăn đặc trưng Tết miền Nam
Người miền Nam thường quan niệm khổ qua là “khổ trong năm cũ sẽ qua”. Do đó món này thường được ăn vào chiều 30 tết và trong ngày mùng 1. Cách nấu món này rất đơn giản, bạn mất chưa đầy 30 phút cho phần sơ chế nguyên liệu và nấu, có thể nói đây là một món ngon dễ làm của người miền Nam.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 3 trái khổ qua cỡ vừa
- 300g thịt heo băm nhuyễn
- 100g nấm mèo và bún tàu
- Gia vị khác
Cách nấu món ngon ngày Tết miền Nam – khổ qua nhồi thịt
- Nấm mèo và bún tàu ngâm nở, rửa sạch sau đó ráo nước băm nhuyễn.
- Cho nấm mèo, bún tàu, thịt heo trên vào cùng một thố và ướp mắm, đường, hạt nêm, tiêu, hành củ, trộn đều. Để gia vị ngấm trong vòng 15 phút.
- Khổ qua rửa sạch, lấy bỏ ruột và nhồi thịt vào nhưng tránh nhồi quá nhiều.
- Hành lá chần sơ qua nước sôi, sau đó dùng để buộc khổ qua lại.
- Nấu nước sôi, cho khổ qua nhồi thịt vào nấu chừng 10 phút, khổ qua chín thì nhấc xuống nêm nếm gia vị, rắc thêm ít ngò lên dùng với cơm.
Lạp xưởng thịt heo
Lạp xưởng có vị đặc trưng riêng cũng như món ăn này có nhiều vị như tôm, thịt nạc, thịt bò, gà, … từ tươi đến khô.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu | Định lượng |
Thịt nạc vai | 600gr |
Thịt mỡ | 150gr |
Lòng heo đã làm sạch | 150gr |
Đường cát trắng | 30gr |
Muối | 10gr |
Khác: nước tương, rượu mai quế lộ, hạt nêm | Mỗi thứ 1 muỗng |
Cách làm lạp xưởng thịt heo ngày Tết
- Mỡ lợn cắt nhỏ, ướp với đường cát trắng cho trong còn thịt nạc vai rửa sạch, cắt nhỏ hạt lựu.
- Ướp thịt nạc vai, thịt mỡ với đường, muối, nước tương, rượu Mai Quế Lộ cho thấm, để ngâm 3 tiếng.
- Dồn hỗn hộp thịt vào lòng heo và buộc lại kích thước dài ngắn tùy sở thích (thông thường khoảng 10cm. Tiếp tục dồn thịt vào buộc chặt lại cho đến hết.
- Đun một nồi nước cùng với ít rượu trắng thả lạp xưởng vào luộc trong 5 phút, đảo đều rồi vớt ra để ráo.
- Dùng tăm đâm nhẹ vào lạp xưởng vừa luộc rồi treo dưới trời nắng cho ráo nước. Nếu trời không nắng, có thể làm khô lạp xưởng bằng cách sấy nhé. Sau 3 – 5 ngày là lạp xưởng sẽ khôi, có thể ăn được.
Chả giò
Lớp vỏ bánh tráng giòn ruộm sau khi được chiên vàng, bên trong là thơm ngon bởi nhân được làm bằng thịt heo, tôm và các loại nấm, rau củ, … Món chả giò là món ăn ngày tết cho bé, không thể thiếu của người miền Nam.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu | Định lượng |
Thịt nạc heo băm nhuyễn | 100gr |
Tôm | 200gr |
Cà rốt | 1 củ |
Tai nấm mèo | 4 |
Lọn bún tàu | 4 |
Bánh tráng bía để cuốn | 30 – 40 |
Gia vị |
Cách làm chả giò trong mâm cỗ Tết miền Nam
- Tôm lột vỏ, bỏ đường chỉ đen ở sống lưng, băm nhuyễn. Cà rốt gọt vỏ, bào sợi và cắt sợi nhỏ. Rửa sạch nấm mèo, bún tàu ngâm nở sau đó cũng cắt nhỏ.
- Cho tất cả tôm, thịt, cà rốt, bún tàu, nấm mèo băm nhuyễn vào bát lớn và ướp với mắm, đường, tiêu, hành củ đã băm nhuyễn. Trộn đều tất cả để gia vị thấm trong 30 phút.
- Để dễ cuốn, bạn có thể dùng lá chuối ướp cho bánh tráng dai và dẻo. Nếu không, khi cuốn có thể thấm nước cho bánh mềm, bớt giòn cũng được.
- Dùng thìa múc phần nhân cho lên bánh tráng, gập 2 đầu bánh lại và cuộn tròn, chặt tay để khi chiên với dầu chả giò tránh bị bung ra.
- Chả giò cuốn xong có thể chiên và ăn ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh ăn dần.
Trên là các cách nấu món ăn ngày Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam. Chúc bạn thành công với mâm cơm ngày Tết và có một mùa Tết ấm cúng, sức khỏe, hạnh phúc và may mắn.